Viêm gan B (còn gọi là viêm gan virus B hay viêm gan siêu vi B) là tình trạng sưng tấy hoặc hoại tử tế bào gan cấp hoặc mạn tính, có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng như xơ gan hoặc ung thư gan.
I. VIÊM GAN B TẠI VIỆT NAM
• Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ mắc viêm gan B rất cao. Cứ khoảng 8 người sẽ có 1 người mắc viêm gan B mạn.
• Ung thư gan là một trong các loại ung thư thường gặp và gây tử vong cao nhất Việt Nam. Năm 2013, có khoảng 31.000 ca tử vong do ung thư gan tại Việt Nam.
• Tại Việt Nam, ung thư gan là ung thư thường gặp nhất ở nam giới và thường gặp thứ 3 ở nữ giới.
• Người mắc viêm gan B mạn tại Việt Nam chủ yếu do lây truyền từ mẹ sang con.
1. Viêm gan B là “kẻ giết người thầm lặng”
• Viêm gan B mạn rất nguy hiểm vì thường không có triệu chứng rõ ràng. Nhiều người vẫn có kết quả xét nghiệm men gan bình thường.
• Đa số người mắc viêm gan mạn không biết mình mắc bệnh.
• Khi có các biểu hiện lâm sàng thì thường bệnh đã ở giai đoạn muộn.
2. Viêm gan B là nguyên nhân chính gây ung thư gan
• Ung thư gan là loại ung thư gây ra số ca tử vong cao thứ 2 trong tất cả các loại ung thư.
• Viêm gan B là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư gan, là nguyên nhân của 37% các trường hợp tử vong do ung thư gan trên thế giới.
• Người mắc viêm gan B mạn có nguy cơ bị ung thư gan cao gấp 100 lần so với người không mắc.
3. Cần phát hiện sớm ung thư gan
• Ung thư gan diễn biến âm thầm, thường không có triệu chứng cho đến khi bệnh chuyển sang giai đoạn muộn.
• Người mắc viêm gan B do lây từ mẹ khi sinh hoặc ở lứa tuổi nhỏ có thể tiến triển thành ung thư rất sớm, thậm chí ở tuổi thành niên.
• Nếu chẩn đoán muộn, ung thư gan là loại ung thư khó điều trị nhất. Tỷ lệ sống sót sau 5 năm phát hiện ra bệnh chỉ khoảng 10%.
• Ung thư gan có thể được chẩn đoán sớm thông qua khám sàng lọc định kỳ, và có thể điều trị hiệu quả ở giai đoạn sớm.
II. VIÊM GAN B LÂY TRUYỀN NHƯ THẾ NÀO?
Virus viêm gan B tồn tại trong máu và dịch thể, có thể lây theo 3 đường: Từ mẹ sang con khi sinh, qua đường máu, và qua quan hệ tình dục không bảo vệ.
– Lây từ mẹ sang con
Viêm gan B có thể lây từ mẹ sang con trong lúc sinh. Đây là đường lây truyền phổ biến nhất tại Việt Nam và là nguyên nhân gây viêm gan B thường gặp nhất. Nhiều phụ nữ mang thai không biết mình bị viêm gan B do không có triệu chứng và không được xét nghiệm.
– Lây qua đường máu
Viêm gan B có thể lây qua tiếp xúc trực tiếp với máu nhiễm virus. Ví dụ:
• Tiếp xúc trực tiếp giữa các vết thương
• Dùng chung dao cạo hoặc bàn chải đánh răng đã có nhiễm máu
• Tái sử dụng bơm kim tiêm hoặc dụng cụ y tế
• Truyền máu không an toàn
– Lây qua quan hệ tình dục
Viêm gan B có thể lây qua quan hệ tình dục không dùng bao cao su. Mặc dù dùng bao cao su có thể giảm nguy cơ truyền viêm gan B, cách tốt nhất để phòng bệnh viêm gan B vẫn là tiêm phòng.
III. VIÊM GAN B CẤP VÀ MẠN TÍNH
1. Tiến triển thành viêm gan tối cấp và tử vong do suy gan
Gây tổn thương nhiều tế bào gan nặng nề, dẫn tới suy gan cấp hoặc thậm chí tử vong. Rất may là điều này chỉ xảy ra ở tỷ lệ nhỏ (1%).
2. Phục hồi sau khi nhiễm trùng và tạo ra miễn dịch bảo vệ
Cơ thể loại bỏ virus viêm gan B sau vài tháng và tạo được miễn dịch bảo vệ suốt đời (có triệu chứng hoặc không). Hiện nay không có thuốc chữa khỏi viêm gan B cấp mà chỉ có thuốc điều trị hỗ trợ.
3. Tiến triển thành viêm gan B mạn
Cơ thể không loại bỏ virus dẫn tới mắc viêm gan mạn suốt đời. Hiện nay đã có thuốc kháng virus điều trị hiệu quả viêm gan B mạn. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn cần khám theo dõi và sàng lọc ung thư gan định kỳ để phát hiện sớm tổn thương gan. Nếu không được điều trị và theo dõi đúng cách, khoảng ¼ người mắc viêm gan B mạn sẽ tử vong do xơ gan, ung thư gan hoặc suy gan.
IV. XÉT NGHIỆM SÀNG LỌC VIÊM GAN B CHO NHỮNG NGƯỜI CÓ NGUY CƠ CAO
– Tầm quan trọng của việc xét nghiệm sàng lọc viêm gan B
Đa số người mắc viêm gan B không có triệu chứng. Vì vậy, cần xét nghiệm sàng lọc những người có nguy cơ mắc để:
• Chẩn đoán viêm gan B mạn để theo dõi và điều trị kịp thời
• Kiểm tra xem đã có miễn dịch bảo vệ chưa để tiêm vaccine dự phòng
• Giảm thiểu việc tiêm phòng vaccine không cần thiết. Những người đã mắc viêm gan B mạn hoặc đã có miễn dịch bảo vệ (do đã tiêm phòng hoặc do mắc viêm gan B trước đây) không cần tiêm vaccine.
– Xét nghiệm sàng lọc viêm gan B bằng các xét nghiệm đơn giản sau đây:
1) HBsAg (Còn gọi là kháng nguyên bề mặt)
Xét nghiệm HBsAg là cách duy nhất để chẩn đoán viêm gan B mạn. Nếu HBsAg(+) kéo trên 6 tháng nghĩa là bệnh nhân đã mắc viêm gan B mạn. Do phần lớn bệnh nhân viêm gan B tại Việt nam mắc virus từ lúc sinh hoặc khi còn nhỏ, xét nghiệm HBsAg(+) thường có nghĩa là đã mắc viêm gan B mạn. Người có HBsAg(+) cần được tư vấn và khám định kỳ để giảm nguy cơ tiến triển thành bệnh gan mạn và ung thư gan.
2) Anti-HBs
Xét nghiệm Anti-HBs là để kiểm tra xem đã có miễn dịch bảo vệ hay chưa. Anti-HBs tạo ra sau tiêm phòng hoặc do trước đây đã mắc virus viêm gan B và tự hồi phục.
3) Các xét nghiệm viêm gan B khác
-
Total Anti-HBc
Là xét nghiệm để kiểm tra xem bệnh nhân đã từng mắc virus trước đây chưa. Xét nghiệm này rất hữu ích trong việc sàng lọc khi truyền máu nhưng không phân biệt được người hiện đang mắc viêm gan B mạn với người đã hồi phục và có miễn dịch bảo vệ với viêm gan B.
-
IgM Anti-HBc
Là xét nghiệm để xác định tình trạng nhiễm virus viêm gan B.
Chỉ làm xét nghiệm IgM Anti-HBc nếu nghi ngờ bệnh nhân mới nhiễm virus viêm gan B gần đây (do kim đâm khi tiêm hoặc do quan hệ tình dục không bảo vệ với người mắc viêm gan B). Nếu mắc viêm gan B cấp, bệnh nhân có thể tiến triển thành mạn tính hoặc không.
4) Những ai cần xét nghiệm sàng lọc viêm gan B
TẤT CẢ PHỤ NỮ MANG THAI cần được sàng lọc viêm gan B để phòng lây truyền sang con. Ngoài ra, do Việt Nam có tỷ lệ mắc viêm gan B cao, mọi người đều nên xét nghiệm ít nhất một lần để biết mình có mắc viêm gan B hoặc đã có miễn dịch bảo vệ chưa.
V. THEO DÕI TỔN THƯƠNG GAN
1. Thường xuyên theo dõi mức độ tổn thương gan
Đa số người mắc viêm gan B mạn không có triệu chứng và cảm thấy hoàn toàn bình thường, mặc dù có thể đã có xơ gan hoặc ung thư gan giai đoạn đầu. Vì vậy, khi theo dõi người bệnh viêm gan mạn cần lưu ý kiểm tra các dấu hiệu viêm gan, tổn thương gan hoặc xơ gan; và cần tiến hành sàng lọc ung thư gan định kỳ.
2. Xét nghiệm men gan (ALT) 6 tháng một lần
Xét nghiệm men gan là một trong các xét nghiệm cần thiết và ít tốn kém để đánh giá bệnh nhân có cần dùng thuốc điều trị hay không. ALT tăng cao là một dấu hiệu chỉ điểm của tổn thương gan. Nếu men gan bình thường thì có thể không cần làm thêm các xét nghiệm khác để quyết định điều trị, trừ khi có biểu hiện xơ gan hoặc đang dùng hóa chất điều trị ung thư.
3. Các xét nghiệm khác
-
Xét nghiệm tải lượng virus bằng PCR (còn gọi là xét nghiệm HBV DNA)
Là xét nghiệm đo tải lượng virus trong máu. Trong điều kiện cho phép, nên xét nghiệm PCR khi bắt đầu điều trị viêm gan B. Nếu bệnh nhân có ALT cao, xét nghiệm tải lượng virus sẽ giúp khẳng định tổn thương gan có phải do virus viêm gan B gây ra hay không và củng cố bằng chứng cho chỉ định điều trị. Nếu tải lượng virus giảm hoặc giảm xuống dưới ngưỡng phát hiện chứng tỏ bệnh nhân đáp ứng điều trị tốt. Nên làm tải lượng virus 6-12 tháng/lần để đánh giá hiệu quả điều trị và phát hiện sớm kháng thuốc.
-
HBeAg và Anti-HBe
Nên xét nghiệm HBeAg sau khi có kết quả khẳng định viêm gan B mạn. HBeAg là dấu ấn đánh giá mức độ hoạt động của virus và gián tiếp phản ánh kết quả tải lượng virus trong máu (mặc dù một số chủng virus đột biến có tải lượng virus cao nhưng xét nghiệm HBeAg vẫn âm tính). Nếu HBeAg(+), nên xét nghiệm lại hàng năm để theo dõi mức độ hoạt động của virus. Nếu có chuyển đổi huyết thanh (HBeAg chuyển từ + sang – và xuất hiện Anti-HBe) là dấu hiệu đáp ứng điều trị tốt. Có thể phải điều trị nhiều năm mới có chuyển đổi huyết thanh. Tuy nhiên cần lưu ý rằng xuất hiện Anti-HBe không có nghĩa là bệnh nhân đã khỏi bệnh hoàn toàn và không cần tiếp tục điều trị. Một số bệnh nhân mang virus viêm gan B thể đột biến không tạo ra HBeAg, vì vậy xét nghiệm tải lượng virus vẫn cho kết quả đánh giá mức hoạt động của virus chính xác hơn.
-
Số lượng tiểu cầu và albumin
Số lượng tiểu cầu thấp (dưới 150,000 tế bào/mm3) kết hợp với mức albumin thấp (<=3.5 gm/dl), kèm theo thời gian đông máu giảm hoặc không, là các dấu hiệu gợi ý bệnh nhân có xơ gan và suy giảm chức năng gan.
-
Sinh thiết gan
Sinh thiết gan là thủ thuật xâm lấn không nên chỉ định rộng rãi. Trong một số trường hợp nhất định, có thể nên làm sinh thiết gan để quyết định điều trị ở những bệnh nhân có men gan tăng nhẹ hoặc không liên tục. Không làm sinh thiết gan nếu đã có đủ bằng chứng để chỉ định điều trị dựa trên các tiêu chí khác.
-
Sàng lọc ung thư gan thường xuyên
Theo ước tính của tổ chức y tế thế giới, khoảng 70% các trường hợp tử vong do viêm gan B là do ung thư tế bào gan. Cần sàng lọc và phát hiện sớm ung thư gan bằng cả 2 xét nghiệm AFP (Alpha-fetoprotein) và siêu âm gan vì có bệnh nhân mắc ung thư gan mà không có xơ gan và ALT bình thường. Chỉ khoảng 40-60% bệnh nhân ung thư gan có AFP tăng. Siêu âm gan có thể không phát hiện được khoảng 20% các ca ung thư gan, nhất là ở những người bệnh béo phì hoặc có mô gan đồng nhất do gan nhiễm mỡ hoặc xơ gan. Vì vậy, nên kết hợp làm cả 2 xét nghiệm thường xuyên.
-
Xét nghiệm AFP – 6 tháng một lần
AFP là xét nghiệm sử dụng phổ biến nhất để sàng lọc ung thư gan. Kết quả xét nghiệm AFP tăng liên tục hoặc AFP >500 ng/ml thường có mối liên hệ chặt chẽ với ung thư gan (bình thường AFP <10ng/ml). Khoảng 40% bệnh nhân ung thư gan có xét nghiệm AFP bình thường, do vậy cần làm thêm siêu âm gan định kỳ để sàng lọc ung thư gan.
-
Siêu âm gan – 6 tháng một lần
Siêu âm là một trong các phương pháp chẩn đoán hình ảnh để phát hiện khối u trong gan. Siêu âm chỉ có thể phát hiện được khoảng 80% trường hợp ung thư gan, vì vậy nên kết hợp với xét nghiệm AFP. Nếu kết quả siêu âm không rõ ràng (ví dụ ở bệnh nhân có gan nhiễm mỡ hoặc xơ gan) hoặc bệnh nhân có AFP tăng cao, có thể chỉ định chụp cộng hưởng từ hoặc chụp cắt lớp vi tính gan, hoặc giới thiệu bệnh nhân đến bác sĩ chuyên khoa gan mật để đánh giá thêm. Tổn thương đậm gần động mạch gan, mờ dần ở phần nhu mô còn lại ở phần tĩnh mạch là biểu hiện điển hình của ung thư tế bào gan.
-
Tiền sử gia đình và xơ gan tăng nguy cơ mắc ung thư gan
Nên làm siêu âm hoặc chụp cắt lớp gan 6 tháng một lần cho bệnh nhân ở mọi lứa tuổi nếu có xơ gan hoặc gia đình có người mắc ung thư gan.
-
Chẩn đoán phát hiện sớm là điểm mấu chốt để để kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân ung thư gan